Cần phải lưu ý những gì khi dùng thẻ tín dụng ở Việt Nam?

Trong bài viết trước bạn đã biết được thẻ tín dụng là gì và những ưu điểm của thẻ tín dụng rồi !

Vậy còn nhược điểm của thẻ tín dụng là gì? Và cần phải đặc biệt lưu ý những gì khi dùng thẻ tín dụng để không bị “lao đao” về tài chính, không bị rơi vào bẫy nợ ngân hàng?

I. Những điều cần lưu ý khi dùng thẻ tín dụng

Những ưu điểm của thẻ tín dụng là không thể phủ nhận, tuy nhiên, thẻ tín dụng cũng là con dao 2 lưỡi.

Việc sử dụng thẻ tín dụng không đúng cách sẽ khiến bạn rơi vào cảnh nợ nần và tiền đóng lãi cao ngất ngưởng.

Vậy nên, khi đã quyết định sử dụng thẻ tín dụng thì bạn hãy lưu ý những điều sau đây:

can-luu-y-nhung-gi-khi-su-dung-the-tin-dung

#1. Thanh toán đúng hạn, đừng để mất tiền lãi

Mình từng nộp chậm rồi nên thấm lắm, lãi suất phải nói là c.ắ.t cổ 🙂

Tháng đó mình có chi tiêu hơn 30 triệu trong thẻ tín dụng (khoảng đầu tháng), sau đó khoảng 10 hôm thì mình nạp lại vào tài khoản 20 triệu, tức là mình chỉ còn khoảng 10 triệu phải trả thôi.

Đến kỳ thanh toán, mình quên béng đi mất, 2 ngày sau mới giật mình nhớ ra và vội vàng nộp tiền vào tài khoản. Và đinh ninh là sẽ chỉ phải nộp phạt 10 triệu tiền lãi suất quá hạn trong 2 ngày đó thôi.

Nhưng không, mọi thứ không đơn giản như mình nghĩ, tháng sau kiểm tra sao kê thì mất 1 triệu 6 hay 1 triệu 7 gì đó tiền lãi. Đúng là ngỡ ngàng, ngơ ngác đến ngã ngửa !

Sau đó mình mới liên hệ ngân hàng thì họ giải thích rằng, nộp chậm dù là 1 đồng thì họ vẫn tính lãi suất trên tổng số tiền đã chi tiêu (tức là hơn 30 cụ), không cần biết trước đó bạn đã nộp bao nhiêu vào tài khoản @@

Vậy đấy, may mà 2 ngày nhớ ra, chứ để 1 tuần thì toang thật sự.

#2. Không sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt

Trừ những trường hợp bất khả kháng ra thì tuyệt đối bạn không nên rút tiền trong thẻ tín dụng để tiêu dùng nha các bạn, vì số tiền bạn rút ra sẽ bị tính phí ngay sau đó.

Và lãi suất phải trả thường rất cao, bạn có thể hỏi nhân viên tư vấn về mức phí khi rút tiền từ thẻ tín dụng của ngân hàng họ.

Nếu bạn rút tiền thì hãy nạp lại tiền vào tài khoản tín dụng trong thời gian sớm nhất có thể ha. Có thể nói, hành động dại dột nhất là rút tiền từ thẻ tín dụng để tiêu !

#3. Hãy giữ thẻ tín dụng cẩn thận, mất thẻ tín dụng = mất tiền

Vì tính chất của thẻ tín dụng là không có mật khẩu.

Vậy nên bất cứ ai, chỉ cần biết được số thẻ (in trển thẻ), ngày hết hạn của thẻ, 3 số cuối của thẻ (số CVV), tên in trên thẻ là hoàn toàn có thể thực hiện mua sắm online hoặc quẹt thẻ ở các quầy thanh toán.

Vậy nên, nếu bạn phát hiện ra mình bị mất thẻ thì hãy nhanh chóng khóa thẻ tín dụng lại và báo cho ngân hàng biết.

#4. Ký lên thẻ và che 3 số cuối ở mặt sau của thẻ

Việc bạn ký vào mặt sau của thẻ sẽ giúp hạn chế (chỉ là hạn chế thôi nhé các bạn) được tình trạng mất tiền khi thẻ rơi vào tay kẻ xấu.

Bởi vì nơi thanh toán có thể đối chiếu chữ ký trên mặt sau thẻ với chữ ký người sử dụng để biết được liệu bạn có thực sự là người sở hữu thẻ hay không.

Nhưng hên xui lắm, mà trong trường hợp này thì thường xui nhiều hơn 😀

#5. Không cung cấp thông tin thẻ tín dụng cho bất cứ ai

Kể cả là người thân đi chăng nữa, đừng dại gì mà cung cấp cho bất kỳ ai nhé, đó là tài sản cá nhân của bạn, lại liên quan đến tiền bạc nữa..

Cũng đừng chụp lại và gửi cho bất kỳ ai, mất tiền đấy !

#6. Chỉ sử dụng thẻ tín dụng ở cửa hàng/trang web uy tín

Không phải trang web nào cũng đủ uy tín để chúng ta thực hiện thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Một số trang web/dịch vụ uy tín, hay những trang thương mại điện tử lớn thì bạn có thể nhập thông tin thẻ tín dụng vào để thanh toán một cách an toàn.

Đơn giản là vì họ đã mã hóa các thông tin và bảo mật thông tin cho bạn.

Nhưng đối với các trang web “ối zời ơi”, chưa đủ uy tín thì không nên nha các bạn, có thể họ sẽ sử dụng thông tin thẻ của bạn để mua sắm khắp nơi đấy !

Ngay cả thanh toán trong nhà hàng, hay các trung tâm thương mại cũng vậy.

Hãy đảm bảo là thẻ luôn trong tầm mắt của bạn, đừng sĩ gái mà đưa thẻ cho nhân viên đi quẹt. Không may bị chụp lại 2 mặt của thẻ là cũng mất tiền luôn nha.

Thường thì nhân viên của những nhà hàng, khách sạn đẳng cấp, chất lượng 5 sao họ sẽ không làm như vậy, nhưng nếu bạn cẩn thận hơn thì có thể lưu ý điều này !

#7. Làm thẻ với hạn mức vừa phải

Ngân hàng sẽ cung cấp cho bạn một hạn mức nhất định và bạn có quyền chi tiêu số tiền này trong tháng (tùy vào mức độ uy tín của bạn).

Nhiều ngân hàng cấp hạn mức lên đến cả trăm triệu, hạn mức cả tỷ cũng có (thẻ đen quyền lực).

Nhưng bạn chỉ nên sử dụng hạn mức vừa phải thôi, tùy vào nhu cầu chi tiêu hàng tháng của bạn.

Ví dụ 1 tháng bạn chi tiêu chả bao giờ vượt quá 30 triệu thì bạn mở thẻ tín dụng 100 triệu làm gì. Để rồi không may rơi thẻ tự nhiên mất toi 100 triệu?

Việc làm thẻ tín dụng với hạn mức vừa phải đồng nghĩa với việc làm giảm thiểu rủi ro mất tiền của bạn, khi nào cần hạn mức cao hơn thì liên hệ ngân hàng để cấp thêm sau, mình nghĩ như vậy sẽ hợp lý hơn.

Nếu thẻ của bạn có hạn mức cao thì bạn có thể điều chỉnh lại hạn mức chi tiêu, hạn mức rút tiền của thẻ… (mấy cái thiết lập này đều có trong ứng dụng của thẻ ngân hàng bạn đang dùng, bạn nên thiết lập ngay nhé)

#7. Lưu lại số điện thoại của ngân hàng để liên hệ khóa thẻ ngay lập tức khi bị mất

Tất nhiên rồi, bạn hãy lưu lại các thông tin liên quan đến ngân hàng mà bạn mở thẻ tín dụng (thường sẽ có số điện thoại ở mặt sau của thẻ).

Cần thiết thì bạn có thể liên hệ trước thử đi để khi mất thẻ thao tác sẽ nhanh hơn !

Nếu phát hiện mất thẻ, bạn hãy liên hệ để khóa ngay lập tức, nhiều khi chậm có vài tích tắc thôi là đã mất tiền rồi đó !

Nhiều ngân hàng hiện nay cung cấp ứng dụng quản lý thẻ tín dụng, vậy nên, nếu ngân hàng bạn có ứng dụng thì hãy tải về và tập làm quen với các tính năng trong đó.

II. Chia sẻ một vài kinh nghiệm dùng thẻ tín dụng 

+) Đa số ngân hàng nào cũng cho phép mở thẻ tín dụng phụ từ thẻ chính. Vậy nên, bạn có thể mở thẻ phụ cho vợ/chồng/con cái của bạn.

Hạn mức tín dụng của tài khoản phụ sẽ dùng chung với hạn mức của tài khoản chính. Và tất cả các giao dịch (cả thẻ phụ và thẻ chính) đều sẽ được sao kê chung cùng nhau, vậy nên rất dễ kiểm soát.

Ngoài ra thì thẻ phụ có mức phí duy trì hằng năm thấp hơn rất nhiều so với thẻ chính.

+) Một vài ngân hàng có chính sách ưu đãi rất tốt khi mở thẻ, bạn có thể tìm hiểu trước khi mở thẻ để tận dụng khoản ưu đãi này. Có thể là miễn phí phí thường niên năm đầu tiên, hoặc hoàn lại 1 số tiền nhất định nào đó (nhiều khi lên đến cả triệu).

+) Nếu không có thời gian ra quầy giao dịch thì bạn có thể mở thẻ tín dụng online 100% (thường mở khá là dễ, không cần chứng minh thu nhập..)

+) Nên chi tiêu trong khả năng tài chính của bạn.

Mặc dù với thẻ tín dụng bạn có thể mua được những sản phẩm/dịch vụ có mức giá lên đến vài chục triệu đồng trong khi trong túi không có đồng nào. Tuy nhiên, nhắm xem đến kỳ thanh toán bạn có đủ số tiền đó để nộp lại vào thẻ tín dụng hay không.

Đừng bao giờ chi tiêu quá đà để rồi không đủ tiền để thanh toán cho thẻ tín dụng nhé các bạn.

+) Có thể sử dụng thẻ tín dụng làm đòn bẩy tài chính, đối với dân kinh doanh thì chắc chắn họ sẽ thích điều này 🙂

+) Có rất nhiều loại thẻ tín dụng hiện nay, ví dụ như thể tích điểm, thẻ hoàn tiền khi mua sắm, thẻ tích dặm bay… bạn xem phù hợp với loại thẻ nào thì hãy chọn loại thẻ đó. Chi tiết hơn thì bạn có thể xem bài viết phân loại thẻ tín dụng này nhé !

+) Khi thanh toán bằng thẻ tín dụng thì thường sẽ có tin nhắn trả về số điện thoại của bạn ngay lập tức, bạn hãy kiểm tra số tiền vừa thanh toán xem có đúng không, nhiều khi nhan viên họ bấm nhầm.

+) Hiểu đúng về chu kì 45 ngày: Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều cho bạn vay miễn phí tiền của họ trong vòng 45 ngày mà không phát sinh lãi.

Thế nhưng, rất nhiều người bị nhầm lẫn chỗ này, kể cả là những người đã dùng thẻ tín dụng lâu năm.

Không phải là 45 ngày kể từ lúc phát sinh giao dịch đâu nhé bạn, mà họ sẽ tính như sau:

Ví dụ, bạn phát sinh giao dịch vào ngày thứ 1 (trong 45 ngày theo chu kì) thì bạn sẽ có đủ 45 ngày free.

Thế nhưng, nếu bạn phát sinh giao dịch vào ngày thứ 15, thì lúc này bạn chỉ có 30 ngày sử dụng free, tương tự như vậy, nếu bạn phát sinh giao dịch vào ngày thứ 30 thì bạn chỉ còn 15 ngày dùng free là đến hạn phải thanh toán..

+) Đừng bao giờ có ý định bùng tiền thẻ tín dụng, không dễ “xơi” của họ đâu.

Một khi đã rơi vào nợ xấu của 1 ngân hàng thì tất cả các ngân hàng đều biết và bạn không bao giờ có cơ hội làm việc với ngân hàng nữa (giao dịch/cầm cố, vay nợ… tất cả đều không).

Ngân hàng có đầy đủ thông tin về bạn nên đừng mong “trốn” được, họ không thu được tiền của bạn nhưng có thể họ sẽ tiến hành siết tài sản của bạn.

Hoặc ví dụ bạn nợ thẻ tín dụng của VPBank và có ý định không trả, mà trong tài khoản MB Bank của bạn vẫn còn tiền thì bên VPBank sẽ trực tiếp thu hồi tiền từ thẻ MB Bank của bạn. Mình lấy ví dụ 2 ngân hàng đó thôi !

Vậy nên, nếu có suy nghĩ là nghỉ chơi với ngân hàng này rồi chơi với ngân hàng khác là không ổn nha các bạn !

III. Lời Kết

Trên đây là những lưu ý quan trọng khi dùng thẻ tín dụng, đừng để thẻ tín dụng là gánh nặng tài chính của bạn và cũng đừng để mình rơi vào bẫy nợ ngân hàng nhé.

Sử dụng thẻ tín dụng đúng cách sẽ giúp bạn quản lý chi tiêu rất tốt, nâng tầm cuộc sống của bạn, nhưng nếu sử dụng sai cách thì đúng là một thảm họa.

Hi vọng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích với bạn, đừng quên chia sẻ nội dung này nếu bạn thấy nó hữu ích. Thank you !

Kiên Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com

Bài viết đạt: 5/5 sao – (Có 5 lượt đánh giá)

Note: Bài viết này hữu ích với bạn chứ? Đừng quên đánh giá bài viết, like và chia sẻ cho bạn bè và người thân của bạn nhé !

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*